Theo nhiều tài liệu lịch sử thời Đinh - Lê - Lý - Trần và kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, địa chất học trên địa bàn Hoằng Hóa thì từ thể kỉ III sau công nguyên, bãi phù sa tả ngạn sông Mã gần cửa Lạch Trào được bồi đắp cao dần, trên cơ sở đó một số dân cư từ Nghệ Tĩnh và Bắc Hà, trong quá trình di thực đã đến đây khai canh lập ấp. Ba dòng họ đầu tiên đến sinh sống là họ Trần Đức, Nguyễn Văn và họ Lê Đăng lập ra một khu dân cư có tên là Bạch Cầu.
Thế kỉ XIII và XIV dưới thời Trần, trong sự khủng hoảng chế độ nộ tì, điền trang, thái ấp một số người thuộc dòng họ Lê Văn, Nguyễn Đình, Lê Thế, Cao Văn, Cao Thanh, Nguyễn Khắc, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng, Lê Văn, Nguyễn Văn, Đào cũng chủ yếu từ Nghệ Tĩnh và ngoài Bắc vào cùng một số nơi trong tỉnh, tiếp tục đến khai canh, lập ấp ở nhiều đồng bãi gần sông được bồi trúc lập nên trang ấp rộng lớn gọi là Liên Châu Trang. Trong số những người chạy loạn có ông Đào Duy Thụy (Nghệ An) được nhân dân tín nhiệm đã đứng ra tổ chức hướng dẫn kỹ thuật canh tác và quy hoạch lại thôn xóm làm cho kinh tế ngày một phát triển, biến Liên Châu Trang thành một khu dân cư rộng lớn, trù mật. Như vậy có thể nói Liên Châu Trang là một đơn vị hành chính đầu tiên trong lịch sử xã Hoằng Châu.
Thế Kỉ XV, nhà Lê bỏ chế độ điền trang thái ấp, thực hiện chế độ quân cấp công điền, công thổ và làng xã được sắp đặt đổi tên thay cho Trang - Ấp. Liên Châu Trang được lập thành hai làng lấy tên là Bảo Châu và Yên Lộc thuộc tổng Bái Cầu huyện Hoằng Hóa.
Đến thời nhà Nguyễn Thế Kỷ XIX một số làng xã lại có sự thay đổi địa danh. Tổng Bái Cầu được đổi là Bái Trạch và làng Bảo Châu được đổi là làng Hải Châu, Yên Lộc (tức làng Rọc) được đổi là Hóa Lộc. Đồng thời hai làng Hải Châu và Hóa Lộc do sống xen canh, xem cư được gọi là xã Liên Châu.
Đầu thế kỉ XX, một số cư dân Liên Châu đứng ra khai thác phần đất bãi bồi phù sa nổi lên hai bờ sông mã. Phía tả ngạn, lập thành một xóm mới gọi là xóm Trung Lưu sau đổi tên là Trung Hòa, phía hữu ngạn lập thành một xóm khác gọi là xóm Trại Mạn (sau đổi là Đa Mãn rồi Đa Lộc)
Từ đó Hải Châu, Hóa Lộc, Trung Hòa, Đa Lộc tồn tại trực thuộc xã Liên Châu, Tổng Bái Trạch dưới triều Nguyễn. Cách mạng tháng 8 thành công xóm Đa Lộc được cắt về huyện Quảng Xương.
Tháng 4 năm 1946, khi lập đơn vị hành chính mới của chính quyền cách mạng thì đơn vị tổng giải thể. Lúc này Hoằng Hóa được chia thành 54 xã, trong đó xã Liên Châu gồm các thôn Hải Châu, Hóa Lộc, Hoàng Chung, Thụy Liên.
Đầu năm 1947 tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hoằng Hóa từ 54 xã được lập thành 12 xã lớn. Xã Liên Châu cùng với các xã Tân Dân, Trào Âm được nhập vào một xã lấy tên là xã Hoằng Châu.
Năm 1949 xã Hoằng Châu lại được tách thành 2 xã Hoằng Châu và Xã Hoằng Phong. Xã Hoằng Châu lúc này gồm các thôn Liên Châu (Hải Châu - Hóa Lộc), Hoàng Chung và 5 thôn thuộc xã Tân Dân cũ. Còn thôn Thụy Liên cùng các thôn của xã Trào Âm cũ lập thành một xã tên là Hoằng Phong.
Cuối năm 1953 xã Hoằng Châu một lần nữa lại được chia thành 2 xã nhỏ là Hoằng Châu và Hoằng Tân hiện nay. Trong đó Liên Châu và Hoàng Chung được gọi là xã Hoằng Châu, còn lại thuộc xã Hoằng Tân từ đây trở đi Hoằng Châu được ổn định địa giới hành chính.
Diện tích tự nhiên của xã vào tháng 9 năm 1953 có trên 900 ha dân số trên 5000 người bao gồm 22 xóm thuộc hai thôn lớn là:
Thôn Liên Châu (Hóa Lộc - Hải Châu) có 14 xóm Châu Minh, Châu Thái, Châu Long, Châu Lộc, Châu Phong, Châu Liên, Châu Giang, Châu Hải, Châu Thanh, Châu Thịnh, Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Triều, châu Yến.
Thôn Hoàng Chung có 8 xóm: Chung Tiến, Chung Đức, Chung Phú, Chung Lý, Chung Quang, Chung Sơn, Chung Minh, Chung Vinh.
Năm 1992 địa bàn thôn xóm lại được điều chỉnh. Thôn Hoằng Chung được gọi là Quang Trung còn thôn Liên Châu tách 6 xóm phía Tây Bắc lấy tên là Tiền Phong, 8 xóm phía Đông Nam lập thành tên Đại Giang, riêng bộ phận dân cư làm nghề thủy sản lập thành một thôn gọi là Đại Lợi.
Năm 2001 cấp thôn lại có sự điều chỉnh mới: Quang Trung được chia thành 5 thôn (Từ thôn 1 đến thôn 5); Tiền Phong được chia thành 4 thôn (Từ thôn 6 đến thôn 9); Đại Giang được chia thành 4 thôn (Từ thôn 10 đến thôn 13); Đại lợi được giữ nguyên được gọi là thôn 14.
Năm 2018 thực hiện đề án sáp nhập thôn của UBND tỉnh, Hoằng châu có 14 thôn được nhập lại thành 10 thôn: Thôn 1 ghép với thôn 2 lập ra thôn Tiến Đức; thôn 3 ghép với thôn 4 lập ra thôn Phú Quang; thôn 5 đổi tên thành thôn Chung Sơn; thôn 6 ghép với một phần thôn 7 lập ra thôn Minh Thái; thôn 8 ghép với một phần thôn 7 lập ra thôn Châu Lộc; thôn 9 đổi tên thành thôn Châu Phong; thôn 10 đổi tên thành thôn Giang Hải; thôn 11 đổi tên thành thôn Thanh Thịnh; thôn 12 đổi tên thành thôn Tiến Thắng; thôn 13 ghép với thôn 14 lập ra thôn Châu Triều.
Như vậy đến cuối năm 2018 Hoằng Châu có tổng cộng 10 thôn, có 3 làng văn hóa là: Hoang Chung, Hoá Lộc và Hải Châu. Diện tích tự nhiên là 1.232,99ha, dân số trên 9.000 người.
Thôn, làng được phân bố rải rác khắp 4 mặt trên những khoảng đất cao ráo, tạo thành thế trận liên hoàn trong sản xuất, chiến đấu và đã để lại nhiều truyền thống tốt đẹp.
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã, có bổ sung