Hoằng Châu Vươn mình

Đăng lúc: 00:00:00 21/12/2023 (GMT+7)

rên chặng đường lịch sử hào hùng của quê hương Hoằng Hóa, xã Hoằng Châu đã có những đóng góp quan trọng trong sự kiện lịch sử Hoằng Hóa khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như chặng đường xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ngày nay, với bản lĩnh ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoằng Châu tiếp tục đoàn kết, nỗ lực cống hiến, xây dựng vùng đất bãi ngang khó khăn trở thành vùng quê rộn ràng, sống động những âm thanh, sắc màu của sự phát triển.

 Phát huy vai trò chủ thể người dân

Hoằng Châu hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Những con đường liên thôn, liên xã trải nhựa, bê tông phẳng phiu; những ngôi nhà cao tầng, trường học khang trang bên những hàng cây xanh rợp bóng mát; những bồn hoa ven đường rộn ràng khoe sắc hòa vào niềm hân hoan trong câu chuyện của người dân... Tất cả “họa” lên một bức tranh NTM với những gam màu tươi sáng - điều mà gần 10 năm trước, những người dân quê ở vùng bãi ngang này chưa thể nghĩ tới...
177d3205459t31469l0.jpg

Đi trên con đường nhựa khang trang, sạch đẹp, rộng rãi vốn là “cửa ngõ” nối từ xã Hoằng Phong đến Hoằng Châu, đồng chí Vũ Bá Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Châu, cho biết: Năm 2012, bước vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, Hoằng Châu gặp nhiều khó khăn, mới đạt 4/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại chỉ đạt 20 - 50%. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã lúc bấy giờ xác định nhiệm vụ quan trọng nhất chính là phải phát huy nội lực của người dân hay nói cách khác phải làm sao để phát động toàn dân tham gia phong trào XDNTM bằng việc tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu mình vừa là chủ thể, vừa là những người trực tiếp hưởng lợi từ thành quả của công cuộc XDNTM.

Cùng với đó, Hoằng Châu cũng xác định hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Bởi, khi hạ tầng giao thông được đồng bộ sẽ là “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện các tiêu chí còn lại. Theo đó, đảng bộ, chính quyền địa phương đã tranh thủ hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ; đặc biệt, phát huy vai trò chủ thể của người dân để đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Hàng loạt công trình phúc lợi được chính quyền địa phương giao cho các thôn trực tiếp tổ chức thi công, giám sát, mang lại hiệu quả cao.

Riêng với tuyến đường trung tâm xã, để con đường từ 6m mở rộng lên đến 10m, có hệ thống rãnh thoát nước được xây dựng đồng bộ là sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân khi tranh thủ được nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên để đầu tư xây dựng, còn người dân là chủ thể trong việc hiến đất, xã hỗ trợ tiền cho nhân dân xây dựng lại tường rào, cổng ngõ một cách đồng bộ, khang trang. Kết quả, chỉ sau một thời gian ngắn, riêng trục đường chính về xã có 42 hộ dân hai bên đường đã hiến 1.600m2 đất để mở rộng đường.

Là hộ dân hiến đất nhiều nhất của xã để mở rộng đường giao thông, ông Nguyễn Túy Thành, thôn Châu Phong, chia sẻ: “Đối với người nông dân, đúng là “tấc đất, tấc vàng”, nhưng với phương châm sống phải có trách nhiệm với quê hương, gia đình tôi đã hiến 58m2 đất ở, mở rộng đường giao thông”.

Ngoài việc hiến đất cho xã mở rộng đường, gia đình anh Đỗ Văn Thủy, chị Ngô Thị Lan, ở thôn Châu Phong mất nhiều công sức nhất khi giải phóng mặt bằng bởi bức tường rào và cổng ngõ của gia đình đã được xây dựng kiên cố. Gia đình phải thuê máy múc, di chuyển nguyên bộ cửa cổng to đẹp đưa vào bên trong, phá bỏ hệ thống tường rào kiên cố dài 25m để xây lại. Trò chuyện với chúng tôi, chị Lan cho biết: “Hiến đất mở rộng đường là việc người dân nào cũng phải làm khi nhận thấy việc làm đó là có lợi cho dân. Tuy vất vả, tốn kém khi phải xây dựng lại hệ thống cổng ngõ, tường rào nhưng gia đình thấy rất vui vì con đường được mở rộng; việc bốc dỡ, xếp hàng hóa lên xe của những hộ buôn bán 2 bên mặt đường cũng thuận tiện hơn”.

“Không chỉ có phong trào hiến đất mở rộng đường mà trong quá trình XDNTM ở xã Hoằng Châu, nhiều nông dân là chủ thể, tiên phong trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển các mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương” - đồng chí Vũ Bá Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Châu tự hào nói.

Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Trần Văn Đạt, ở thôn Tiến Đức, vào đúng thời điểm trong vườn ổi đang mùa thu hoạch, tiếng cười, tiếng nói râm ran khắp cả khu vườn. Đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt xen lẫn nụ cười hiền hậu, anh Đạt tâm sự: Sau nhiều năm bươn chải khắp nơi để mưu sinh, năm 2016 anh bàn với vợ thuê thầu đất 5% của xã để đầu tư trồng cây ăn quả. Khi mới bắt đầu nhận phần đất này, nhiều người nói vợ chồng anh “không bình thường”, có tiền mà không biết làm ăn, nhận vùng đất cát khô cằn, nham nhở cồn đống về mà chết đói. Nhưng với quyết tâm thực hiện bằng được mơ ước của mình, anh chị không quản ngày đêm, gian khổ cải tạo lại mặt bằng, đầu tư gần 100 triệu đồng mua vật liệu để rào khu đất và bắt đầu thử sức với các loại cây trồng. Qua thời gian, anh nhận thấy, chỉ có cây ổi là thích nghi với thổ nhưỡng của vùng đất này nên quyết định mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình anh có hơn 700 cây ổi đang cho thu hoạch; hơn 100 cây bưởi bói trái đầu mùa, 100 cây mít, 100 cây na... dự kiến sẽ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Được nghe anh Đạt kể về “hành trình” đi đến thành quả ngày hôm nay đó là một vườn ổi sum xuê trĩu quả, quả nào quả ấy giòn, ngọt, thơm ngon, thương lái vào tận vườn thu mua hàng tạ ổi mỗi ngày, mới thấy quả thật đất không phụ công người chăm sóc.

Cũng như gia đình anh Đạt, nhiều hộ gia đình khác trong xã đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa một số cây hàng hóa vào sản xuất, bước đầu có kết quả khả quan, như: Gia đình anh Cao Văn Trung, ở thôn Tiến Thắng với mô hình trồng hoa, cây cảnh; gia đình chị Nguyễn Thị Lan (thôn Phú Quang), chị Cao Thị Dân (thôn Tiến Thắng), anh Lê Văn Hùng (thôn Thanh Thịnh), với mô hình trồng măng tây, thiên lý; gia đình chị Lê Thị Đức, anh Trần Văn Cư, thôn Phú Quang với mô hình nấm, mục nhĩ...

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi đất đai, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xã Hoằng Châu còn phát huy lợi thế của một xã vùng triều với diện tích 478,37 ha nuôi trồng thủy sản, từ nhiều năm nay, người dân đã áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững theo hướng quảng canh cải tiến, áp dụng nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, trong đó tôm sú, cua là đối tượng chính, tôm rảo, cá các loại, rau câu... là đối tượng thu thường xuyên. Hiện nay, nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú nhằm tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Bước đi vững chắc, cách làm sáng tạo

Từ các mô hình phát triển kinh tế, sự hăng say lao động của nhân dân, sự phát triển các ngành, nghề dịch vụ... đời sống kinh tế của nhân dân xã Hoằng Châu được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người từ 10,1 triệu đồng năm 2012 lên 41,7 triệu đồng năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo từ 16,5% năm 2012 xuống còn 2,39% năm 2019. Có được thành quả đó là cả một sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc lựa chọn những bước đi, cách làm phù hợp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Và, trong quá trình XDNTM cũng vậy, xã đã thực hiện theo phương châm “Dễ làm trước, khó từng bước làm sau”, nội bộ đồng lòng lấy dân làm gốc.

“Khi bước vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM xuất phát điểm của xã rất thấp, cùng với đó các hạng mục thiết yếu như đường, trường và các thiết chế văn hóa thể thao xã, thôn trong một thời gian dài không có nguồn đầu tư nên khá bất cập... Theo kế hoạch thì đến năm 2020 xã mới hoàn thành cơ bản các tiêu chí NTM vì có một số tiêu chí khó thực hiện như: Tiêu chí số 2 về giao thông; tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí số 13 về hình thức sản xuất... Tuy nhiên, khi nhận thấy có cơ hội hoàn thành các tiêu chí này, đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã tập trung dồn sức, quyết tâm hoàn thành xong, cán đích NTM vào năm 2019, hoàn thành trước kế hoạch một năm” - đồng chí Vũ Bá Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Châu chia sẻ.

Nhìn lại thành quả đạt được và chặng đường XDNTM, hẳn trong lòng mỗi người dân sinh ra, lớn lên và gắn bó với quê hương Hoằng Châu đều cảm nhận rõ những đổi thay kỳ diệu ngay trong từng gia đình, từng ngõ xóm đến cộng đồng dân cư. Sự đổi thay này, được kết tinh từ sức mạnh của sự đoàn kết, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Địa phương đã phát huy tốt nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực, chủ động lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, làm thay đổi hẳn diện mạo, chất lượng cuộc sống vùng nông thôn, tạo nên những dấu ấn đáng khích lệ đối với một xã bãi ngang. Tính từ năm 2011-2019, toàn xã huy động được 233,5 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình XDNTM, trong đó nhân dân đóng góp 86,3 tỷ đồng. Xã đã đầu tư xây dựng được 25,04 km đường giao thông (đường trục xã 8,24 km, đường trục thôn 9,6 km, đường ngõ xóm 7,2 km). Xây dựng mới các phòng học, phòng chức năng và mua sắm trang thiết bị giáo dục, góp phần đưa 3/3 trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia, trong đó Trường Tiểu học Hoằng Châu đạt chuẩn mức độ 2. Đối với lĩnh vực y tế, xã cũng đầu tư 8,5 tỷ đồng để chuyển địa điểm, xây mới trạm y tế, mua sắm trang thiết bị nhằm bảo đảm các điều kiện tốt nhất để phục vụ công các khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Xã được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020.

Về xây dựng các thiết chế văn hóa, từ trước năm 2015, địa phương chưa có nhà văn hóa ở các thôn. Để từng bước chuẩn hóa các thiết chế văn hóa, thể thao xã đã ban hành cơ chế kích cầu xây dựng nhà văn hoá thôn, đồng thời tranh thủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện để xây dựng các thiết chế văn hoá cấp xã với tổng kinh phí thực hiện 17,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 8,4 tỷ đồng và hiến 22.500m2 đất các loại để xây dựng nhà văn hóa. Đặc biệt, “đón đầu” chủ trương sáp nhập thôn, cấp ủy, chính quyền xã Hoằng Châu đã linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tránh được lãng phí trong xây dựng nhà văn hóa khi sáp nhập từ 14 thôn trước đây thành 10 thôn hiện nay. Đến nay, 9/10 thôn đã có nhà văn hóa khang trang, rộng rãi, 1 thôn sinh hoạt ghép với nhà văn hóa làng. Nhà văn hoá đa năng và trung tâm văn hóa thể thao của xã khang trang, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, một vùng bãi ngang đã thực sự khởi sắc đó là minh chứng rõ ràng về những bước đi đúng đắn, những cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng của nhân dân. Dẫu biết chặng đường phía trước còn không ít gian nan nhưng đâu đó câu hát: “Hoằng Châu ơi cánh sóng vẫn miệt mài/ Ve vuốt bao năm bồi lên cuộc sống/ Cồn Trường đó tượng trưng bao thế hệ/ Vẫn vươn mình ưỡn ngực ra khơi” khơi lên niềm tự hào, tạo thành sức mạnh đoàn kết để mỗi người dân sinh ra, lớn lên và gắn bó với vùng bãi ngang này tiếp tục cống hiến và kỳ vọng quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp hơn.

“Ngày 16-9-2019, chúng tôi đã nhận được quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tuy vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoằng Châu luôn xác định phải không ngừng cố gắng duy trì, nâng cấp và hoàn thiện những tiêu chí đạt được, để làm nên một diện mạo nông thôn phát triển về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao”, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Châu Vũ Bá Lĩnh cho biết.

Bìa và ảnh ;Minh Hiền - Báo Thanh Hoá

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc